Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh tập trung ở nhiều tỉnh thành, chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc.
1. Ho gà là gì?
- Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do vi khuẩn ho gà gây nên.
2. Đường lây truyền
- Bệnh lây truyền qua đường hô hấp qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi. Nguy cơ lây nhiễm cao trong khu vực không gian kín như trường học, gia đình…
3. Triệu chứng của bệnh
- Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng: trẻ ho rũ rượi, thành từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ở trẻ những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
- Thở rít vào: Xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không thấy tiếng rít trong cơn ho.
- Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà cũng là một nguồn lây bệnh.
4. Biến chứng của bệnh ho gà
Bệnh ho gà có thể dẫn đến những biến chứng như: suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí dẫn đến ngừng thở và gây tử vong. Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
5. Dự phòng:
- Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có hơn 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.
- Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, các cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.
- Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh uốn ván-bạch hầu-ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.
- Ngoài ra kết hợp với: rửa tay thường xuyên với xà phòng, giữ vệ sinh thân thể mũi miệng cho trẻ hàng ngày, che mũi miệng khi ho hắt hơi, giữ không gian thông thoáng đủ ánh sáng, khi trẻ mắc bệnh cho trẻ nghỉ học ngay đưa đến cơ sở y tế thăm khám.
6. Lịch tiêm ngừa bệnh ho gà
- Tại bệnh viện Hùng Vương có nhiều loại vaccin phối hợp (phòng ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib) như 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ); vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp); vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp); Boostrix (Bỉ) cho trẻ. Con bạn sẽ được thăm khám và tư vấn tận tình trước tiêm ngừa.
- Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi;
- Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng;
- Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng;
- Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Bài viết khác
- Lớp tiền sản (23-05-2017)
- Danh mục vật tư tiêu hao 2024 (05-05-2025)
- Danh mục thuốc năm 2024 (05-05-2025)
- Thông tin giá thuốc, vật tư y tế... (22-05-2023)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)