Chuyển dạ sanh non những điều cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Chuyển dạ sanh non những điều cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Chuyển dạ sanh non những điều cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Chuyển dạ sanh non những điều cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Chuyển dạ sanh non những điều cần biết - Bệnh viện Hùng Vương
Chuyển dạ sanh non những điều cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Chuyển dạ sanh non những điều cần biết

     Chuyển dạ sanh non (preterm labor) là gì?

     Một thai kỳ tính đến ngày dự sanh kéo dài khoảng 40 tuần. Chuyển dạ non là chuyển dạ xảy ra trước 37 tuần của thai kỳ. Chuyển dạ sanh non không có nghĩa là bạn sẽ sinh non nhưng chuyển dạ sanh non cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

     Sanh non (preterm birth) là gì?

     Sanh non là tình trạng trẻ sơ sinh chào đời trước 37 tuần. Trẻ sanh non có thể mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bại não, có thể kéo dài suốt đời. Các vấn đề khác, như tiếp thu chậm trong học tập, có thể xuất hiện muộn hơn ở trẻ em hoặc thậm chí ở tuổi trưởng thành.

     Chuyển dạ sanh non có thể tự khỏi không?

     Trong một số trường hợp chuyển dạ sanh non có thể tự dừng lại khoảng 3 trong 10 thai phụ. Nhưng nếu không dừng lại có thể áp dụng các biện pháp điều trị để cố gắng trì hoãn việc sanh non. Các biện pháp điều trị này có thể làm giảm nguy cơ biến chứng nếu trẻ sanh non

     Những dấu hiệu và triệu chứng của chuyển dạ sanh non là gì?

     Các cơn gò tử cung chuyển dạ sớm dẫn đến những thay đổi ở cổ tử cung. Những thay đổi này bao gồm xóa mở cổ tử cung. Các dấu hiệu và triệu chứng:

  • Đau bụng nhẹ, có hoặc không có tiêu chảy
  • Sự thay đổi về dịch tiết âm đạo như ra nước, ra huyết âm đạo hoặc có chất nhầy
  • Sự gia tăng lượng dịch tiết
  • Đau nặng vùng chậu hoặc bụng dưới
  • Đau lưng vùng thấp âm ỉ, liên tục
  • Những cơn gò tử cung đều đặn hoặc thường xuyên, thường không đau
  • Ối vỡ (nước ối vỡ ra và chảy ra thành dòng hoặc nhỏ giọt)

     Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của chuyển dạ sanh non hãy đến ngay phòng khám của bác sĩ sản phụ khoa hoặc đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám.

     Những yếu tố nguy cơ gây chuyển dạ sanh non là gì?

     Chuyển dạ sanh non có thể xảy ra với bất kỳ ai mà không có dấu hiệu cảnh báo. Có nhiều phụ nữ sinh non mà không có yếu tố nguy cơ nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sanh non, bao gồm:

  • Tiền căn sanh non trong lần mang thai trước
  • Chiều dài kênh cổ tử cung ngắn vào đầu thai kỳ
  • Tiền căn bệnh lý phụ khoa hoặc phẫu thuật trước đó
  • Chấn thương trong lần sanh trước
  • Biến chứng khi mang thai: đa thai, ra huyết âm đạo trong suốt thai kỳ, nhiễm trùng trong thai kỳ
  • Các yếu tố về lối sống: cân nặng trước khi mang thai thấp, hút thuốc trong thời kỳ mang thai, thiếu hụt dinh dưỡng
  • Các yếu tố khác: dưới 17 tuổi hoặc trên 35 tuổi

     Chẩn đoán chuyển dạ sanh non

     Chẩn đoán chuyển dạ sanh non như thế nào?

     Chuyển dạ sanh non được chẩn đoán khi phát hiện thấy những thay đổi ở cổ tử cung sau khi cơn co tử cung bắt đầu. Bác sĩ sản phụ khoa có thể khám âm đạo để xem cổ tử cung của bạn đã bắt đầu thay đổi chưa. Bạn có thể cần được khám nhiều lần trong khoảng thời gian vài giờ. Các cơn gò tử cung của bạn cũng có thể được theo dõi.

     Bác sĩ sẽ yêu cầu tôi làm những xét nghiệm nào?

     Có một số xét nghiệm có thể được yêu cầu:

  • Siêu âm để ước tính tuổi thai hoặc kiểm tra kích thước thai nhi.
  • Siêu âm qua ngã âm đạo để đo chiều dài kênh cổ tử cung.
  • Tăm bông âm đạo để kiểm tra sự hiện diện của fibronectin thai nhi. Đây là một loại protein hoạt động như một chất keo, giúp túi ối kết nối với bên trong tử cung.

     Nếu tôi chuyển dạ sanh non, điều đó có nghĩa là tôi sẽ sanh non không?

     Nếu bạn bị chuyển dạ sanh non, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khó có thể dự đoán liệu bạn có tiếp tục sanh non hay không. Mục tiêu của việc theo dõi và điều trị là để giảm nguy cơ sanh non và bảo vệ sức khỏe của bạn và thai nhi.

     Chuyển dạ sanh non được xử lý như thế nào?

     Chuyển dạ sanh non nên được quản lý dựa trên những gì tốt nhất cho sức khỏe của bạn và sức khỏe của thai nhi. Nếu thai nhi được hưởng lợi từ việc trì hoãn việc sanh, có thể dùng thuốc để giúp các cơ quan trưởng thành nhanh hơn, giảm nguy cơ mắc một số biến chứng và cố gắng trì hoãn việc sanh trong một thời gian ngắn

     Điều gì sẽ xảy ra nếu quá trình chuyển dạ của tôi đã quá lâu không thể dừng lại được?

     Khi chuyển dạ sinh non quá lâu không thể dừng lại, có thể cần phải sanh. Nếu bệnh viện của bạn không có đủ nguồn lực để chăm sóc trẻ sanh non, bác sĩ sản phụ khoa của bạn có thể đề nghị chuyển bạn đến một bệnh viện tuyến trên.

     Những loại thuốc nào được dùng để chuẩn bị cho thai nhi sinh non?

     Các loại thuốc giúp chuẩn bị cho thai nhi sinh non bao gồm corticosteroid, magiesulfat và thuốc giảm cơn co tử cung .

     Corticosteroid có tác dụng gì?

     Corticosteroid có thể giúp đẩy nhanh quá trình phát triển phổi, não và cơ quan tiêu hóa của thai nhi.

     Khi nào thì dùng corticosteroid?

     Corticosteroid có thể được khuyến nghị sử dụng từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 34 của thai kỳ cho bất kỳ ai có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày.

     Nếu bạn có khả năng sanh non trong vòng 1 tuần, bạn sẽ được tiêm một đợt corticosteroid duy nhất. Phải mất 2 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên thì mới thấy được nhiều lợi ích nhất, nhưng vẫn có một số lợi ích trong 24 giờ đầu.

     Magiesunfat có tác dụng gì?

     Được dùng trước khi sinh non, magie sulfat có thể làm giảm nguy cơ bại não và các vấn đề về vận động thể chất.

     Khi nào thì dùng magie sulfat?

     Thuốc này có thể được sử dụng khi thai dưới 32 tuần và có nguy cơ sinh trong vòng 24 giờ. Magie sulfat có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ, bao gồm đỏ bừng, bốc hỏa, mờ mắt và yếu.

     Thuốc giảm gò có tác dụng gì?

     Thuốc giảm gò là thuốc được sử dụng để trì hoãn việc sanh, đôi khi lên đến 48 giờ. Nếu cuộc sanh bị trì hoãn thậm chí chỉ vài giờ, có thể có thêm thời gian để dùng corticosteroid hoặc magnesium sulfate. Sự trì hoãn này cũng có thể cho phép bạn có thời gian chuyển đến bệnh viện có dịch vụ chăm sóc chuyên khoa cho trẻ sinh non.

     Thuốc giảm gò tử cung được dùng khi nào?

     Thuốc giảm gò được dùng khi lợi ích của việc điều trị lớn hơn rủi ro. Thuốc giảm gò thường không được dùng khi:

  • Có triệu chứng chuyển dạ sớm nhưng không có sự thay đổi ở cổ tử cung
  • Nếu lợi ích của việc sanh là tốt hơn cho bạn hoặc em bé của bạn
  • Chuyển dạ sanh non đã dừng lại

     Bạn có thể gặp tác dụng phụ từ thuốc giảm gò, một số trong đó có thể nghiêm trọng. Các tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc.

     Điều gì sẽ xảy ra sau khi sinh nếu tôi sinh non?

     Nếu quá trình chuyển dạ không dừng lại và bạn sanh non, bác sĩ sơ sinh sẽ chăm sóc em bé của bạn

     Việc chăm sóc trẻ sơ sinh phụ thuộc vào thời điểm trẻ chào đời. Đơn vị chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh (NICU) cung cấp dịch vụ chăm sóc chuyên biệt cho trẻ sinh non. Một số trẻ cần phải ở lại NICU trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.

     Tôi nên biết gì về sinh non và việc mang thai trong tương lai?

     Một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với sanh non là tiền căn sanh non trong quá khứ. Phụ nữ có tiền căn sanh non có khả năng sanh non trong tương lai cao gấp 2 đến 3 lần. Nguy cơ này tăng lên sau mỗi lần sanh non. Nhưng cũng có một số phụ nữ sanh non mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ rõ ràng nào.

     Có phương pháp điều trị nào có thể giúp ngăn ngừa sinh non không?

     Nếu bạn có nguy cơ sanh non, hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa về các phương pháp điều trị có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Progesterone đặt âm đạo: phương pháp điều trị này có thể được áp dụng nếu bạn được chẩn đoán kênh cổ tử cung ngắn bằng siêu âm trước khi thai 24 tuần. Progesterone đặt âm đạo là một loại gel hoặc viên thuốc đạn mà bạn đặt vào âm đạo mỗi ngày cho đến 37 tuần, trừ khi cuộc sanh diễn ra sớm hơn.
  • Khâu vòng cổ tử cung: nếu bạn có cổ tử cung ngắn và đã từng sinh non trước đó, một thủ thuật gọi là khâu vòng cổ tử cung cũng có thể được thực hiện. Trong khâu vòng cổ tử cung, cổ tử cung được đóng lại bằng một hoặc nhiều mũi khâu.
  • Tiêm hormone không còn được khuyến cáo để ngăn ngừa sinh non nữa. Vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêc tiêm có thể không hiệu quả với tất cả những người sử dụng chúng.

     Tôi có phải nằm nghỉ ngơi trên giường nếu tôi có nguy cơ sinh non không?

     Không! Nghỉ ngơi trên giường không được khuyến khích nếu bạn có nguy cơ sinh non. Nghỉ ngơi trên giường có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, loãng xương và mất sức cơ.

     Nếu bạn còn có thêm thắc mắc, hãy liên hệ với bác sĩ sản phụ khoa của bạn.

     Tài liệu tham khảo    https://www.acog.org/womens-health/faqs/preterm-labor-and-birth

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác